Được biết, BHXH Việt Nam đang triển khai thí điểm giao dịch bằng phần mềm hỗ trợ kê khai thủ tục BHXH, BHYT qua phần mềm iBHXH của Công ty Cổ phần TS24 tại 36 tỉnh, thành phố với 30 nghìn doanh nghiệp áp dụng; cùng với đó BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp với Tổng cục Thuế về trao đổi thông tin, dùng chung chữ ký số sau khi Quyết định về thí điểm giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Công văn của BHXH gửi Công ty Cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm về kê khai nghiệp vụ BHXH qua hệ thống mạng
Giao dịch BHXH điện tử chính là xu hướng tất yếu mà ngành bảo hiểm thực hiện nhằm góp phần giảm các thủ tục hành chính phiền hà không cần thiết, tiết kiệm thời gian trong quá trình giao dịch nộp BHXH cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan BHXH… Việc triển khai giao dịch điện tử có hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai; giảm thiểu thời gian đi lại giao dịch với cơ quan BHXH, chưa kể thời gian chờ đợi như trước đây; đặc biệt là xem được kết quả giao dịch ngay trên phần mềm giao dịch BHXH điện tử; giảm phiền hà cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động…
Tuy nhiên, theo kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới DĐDN, hiện doanh nghiệp này đang sử dụng dịch vụ chữ ký số của một trong những Nhà cung cấp đủ thẩm quyền cung cấp chữ ký số để khai thuế qua mạng, nhưng khi sử dụng để kê khai BHXH thì không được. Trong khi đó, theo quy định thì một chữ ký số có thể sử dụng cho tất cả các dịch vụ: khai thuế qua mạng, hải quan điện tử, BHXH…
Doanh nghiệp này (muốn giấu tên) cho biết, hiện nay BHXH yêu cầu khai nộp BHXH online qua dịch vụ TS24 nhưng vì chữ ký số của chúng tôi không đăng ký bên TS24, nên chúng tôi có thắc mắc và được TS24 khẳng định: "Sử dụng chữ ký số của Nhà cung cấp khác cũng không sao". Tuy nhiên thực tế, khi doanh nghiệp dùng chữ ký số của Nhà cung cấp khác để để ký nộp bảo hiểm thì liên tục bị báo lỗi, không cho gửi tờ khai đến cơ quan BHXH.
"Khi chúng tôi gọi lại TS24 để hỏi qua số điện thoại: 19006154 số máy lẻ 3 thì bên TS24 bảo là họ nâng cấp hệ thống nên các chữ ký số của các nhà cung cấp khác bị lỗi, lúc gửi được lúc không. Và nói tốt nhất là nên sử dụng chữ ký số của TS24 cho đồng bộ. Hoặc là chuyển đổi các chữ ký số của các nhà cung cấp khác qua chữ ký số TS24" – vị đại diện doanh nghiệp cho biết.
Trước những thắc mắc của doanh nghiệp, chúng tôi đã liên lạc với một số nhà cung cấp chữ ký số thì nhận thấy đây cũng là bức xúc chung của các Nhà cung cấp này. Công ty Cổ phần công nghệ thẻ Nacencomm, một trong những nhà cung cấp chữ ký số hiện nay đã gửi kiến nghị số 022 tới BHXH TP HCM khẳng định: "Một số doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM đang sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số CA2 đã đăng ký kê khai BHXH qua mạng đang phản ánh hiện tượng cán bộ của các cơ quan BHXH cấp quận hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp phải chuyển đổi chữ ký số từ CA2 sang sử dụng chữ ký số SafeCA (SafeCA là CKS do TS24 cung cấp - PV)".
Mặc dù ông Nguyễn Đăng Tiến – Phó Giám đốc BHXH TP HCM khẳng định tại Công văn số 912/BHXH-CNTT rằng: "Cơ quan BHXH khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tiện ích khai BHXH qua mạng và không yêu cầu doanh nghiệp phải mua hoặc chuyển đổi dùng chữ ký số của một nhà cung cấp chỉ định nào" nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp đang bị "ép" một cách có hệ thống. Vị đại diện doanh nghiệp gửi đơn đến DĐDN bức xúc: "Chúng tôi cảm giác như bị lừa vì chưa đánh giá được dịch vụ của TS24 ra sao mà giống như bị ép là phải mua để sử dụng gửi báo cáo cho bên BHXH, trong khi chúng tôi đã sử dụng chữ ký số của một nhà cung cấp khác. Việc này vừa phiền hà, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp".
Rõ ràng, chữ ký số là công nghệ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc trong nhiều hoạt động, như giao dịch điện tử, kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử, ngân hàng, BHXH… vì vậy, để tránh trường hợp lợi dụng chính cơ quan chức năng để tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, các cơ quan nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Bên cạnh đó, bản thân các nhà cung cấp chữ ký số cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn để giúp người dùng tự bảo vệ mình, tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét